Nhà thuốc Hưng Thịnh

Bộ Y tế và chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra hướng dẫn về thực đơn cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, giúp họ sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Với những bệnh nhân Covid-19 được tự cách ly, điều trị tại nhà, ngoài việc tự theo dõi sức khỏe và dùng thuốc theo hướng dẫn của cơ sở y tế địa phương thì cần chú ý đến việc chăm sóc bản thân với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định đến khả năng hồi phục sức khỏe của người bệnh.

Chú ý chăm sóc dinh dưỡng

Bệnh nhân Covid-19 hoặc có tình trạng viêm nhiễm khác đều có nhu cầu dinh dưỡng tăng do tiêu hao nhiều năng lượng. Nếu không được chăm sóc dinh dưỡng kịp thời dễ diễn tiến thành suy dinh dưỡng, làm tăng thời gian điều trị và cũng dễ gặp biến chứng nặng.

Với trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo nếu trẻ bú mẹ nên duy trì cho trẻ bú hoặc vắt sữa cho trẻ uống bằng thìa, cho trẻ ăn thường xuyên và mỗi lần một chút nếu trẻ ăn kém. Cho trẻ ăn những món trẻ thích để tránh gây nôn và làm trẻ buồn nôn. 

Với người lớn nếu chưa có biến chứng, không nhất thiết áp dụng chế độ ăn riêng, điều quan trọng là cung cấp đủ năng lượng bởi chế độ ăn liên quan nhiều đến sức khỏe chung của cơ thể và chức năng miễn dịch.

10 nguyên tắc cần ghi nhớ về chế độ dinh dưỡng cho F0 tại nhà 1Người dân được cung cấp nhu yếu phẩm để an tâm cách ly tại nhà.

10 nguyên tắc dinh dưỡng cho người F0

Tiến sĩ Vũ Thị Thanh, trưởng phòng dinh dưỡng điều trị Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo nếu bệnh nhân Covid-19 áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đúng, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sản sinh ra đủ kháng thể góp thêm phần tiêu diệt virus.

Nguyên tắc 1 và 2: Gạo, bánh mì, khoai

Tinh bột là nền tảng cung cấp năng lượng cho tế bào của hệ miễn dịch. Với bệnh nhân không có triệu chứng có thể chia làm ba bữa chính như người bình thường. Tùy theo thể trạng từng người mà có thể ăn trung bình khoảng 200 – 250gr gạo một ngày. Ngoài các món chế biến từ gạo như cơm, phở, bún, có thể thay đổi với các thực phẩm khác như khoai, bánh mì, miến để thấy ngon miệng hơn.

Nguyên tắc 3: Ăn nhiều rau

Các loại rau dự trữ nguồn vitamin khổng lồ. Vì vậy việc thường xuyên ăn rau cung cấp nhiều loại vitamin cho cơ thể. 

Mỗi ngày bạn nên nạp khoảng 300 – 350gr, chia ra làm ba bữa. Rau mặc dù không sinh năng lượng nhưng tốt cho quá trình chuyển hóa tạo năng lượng cho tế bào.

Nguyên tắc 4: Trái cây

Chế độ ăn của bệnh nhân nên bổ sung thêm một phần trái cây sau mỗi bữa ăn khoảng 30 phút hoặc trong các bữa phụ. Với những loại quả có độ ngọt trung bình như dưa hấu có thể ăn khoảng 300 gr/ngày. Loại quả ít ngọt hơn như dưa lê có thể dùng nhiều hơn. Với những quả có hàm lượng đường cao như sầu riêng, chuối tiêu… thì chỉ nên sử dụng khoảng 100 – 120 gr/ngày.

10 nguyên tắc cần ghi nhớ về chế độ dinh dưỡng cho F0 tại nhà 2Tăng cường bổ sung trái cây, đặc biệt là trái cây giàu vitamin C như cam.

Nguyên tắc 5: Chất đạm

Protein có vai trò quan trọng trong việc xây dựng cấu trúc tế bào. Một bữa ăn sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu thành phần này. Bạn có thể dung nạp protein thực vật từ cơm, rau, đậu phụ… và protein động vật từ các loại thịt như thịt bò, thịt heo với định lượng 50 gr/ngày, hải sản hoặc cá khoảng 80 gr/ngày, chia làm ba bữa.

Nguyên tắc 6: Chất béo

Chất béo đảm bảo màng tế bào được khỏe mạnh nên bạn không nên kiêng hoàn toàn loại chất này. Nếu ăn đồ luộc, bạn có thể bổ sung chất béo bằng cách ăn thêm các loại ngũ cốc như vừng, lạc. Tuy nhiên với bệnh nhân Covid-19, chuyên gia khuyên sử dụng dầu ăn tốt hơn vì trong dầu ăn có chứa axit béo không no, có tác dụng giảm viêm, giúp giảm sốt ở bệnh nhân.

Nguyên tắc 7: Hạn chế đường

Hạn chế tối đa việc sử dụng đường nếu có thể. Trong chế độ ăn của bệnh nhân Covid-19 cần được bổ sung thêm các loại quả xay và nước ép, việc cho thêm đường vào thức uống sẽ gia tăng vị ngon và dễ uống hơn. Tuy nhiên bạn chỉ nên cho khoảng 3 thìa cà phê đường (dưới 15 gr/ngày), hoặc bạn hãy thay thế đường bằng các chất tạo ngọt tự nhiên khác như mật ong, siro lá phong,…

Nguyên tắc 8: Hạn chế muối

Bạn cần cẩn trọng khi nêm nếm muối vào thức ăn để không sử dụng quá liều lượng, vì loại gia vị này làm tăng gánh nặng tuần hoàn đối với những bệnh nhân có triệu chứng có thể gây ra phù phổi. 

Bên cạnh muối, người bệnh có thể dùng nước mắm. Lượng muối khuyến cáo trong ngày là dưới 6gr. Mỗi bữa ăn của bệnh nhân chỉ nên dùng khoảng gần 2gr muối hoặc gần 10ml nước mắm.

Nguyên tắc 9: Cung cấp đủ nước

Nước cần thiết để duy trì mọi hoạt động bình thường của cơ thể. Và với bệnh nhân Covid-19, việc chú ý cung cấp đủ nước lại càng quan trọng. 

Đối với những bệnh nhân không có triệu chứng tiêu chảy, dưới 55 tuổi, lượng nước được khuyến cáo là 40ml/kg cân nặng, còn trên 55 tuổi là 35ml/kg cân nặng. 

Với những người bệnh có kèm triệu chứng tiêu chảy, ngoài lượng nước khuyến cáo cần phải uống thêm nước để bù lại lượng nước bị thiếu hụt. Bạn có thể dùng nước lọc hoặc bổ sung nước từ súp, canh, nước hoa quả…

10 nguyên tắc cần ghi nhớ về chế độ dinh dưỡng cho F0 tại nhà 3Chú ý cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.

Nguyên tắc 10: Sữa cung cấp canxi

Trong sữa đã sẵn một phần chất đạm, chất béo, một số vitamin và khoáng chất, đặc biệt là canxi. Bổ sung sữa vào chế độ ăn hằng ngày giúp người bệnh có đủ canxi và các nguyên tố vi lượng cần thiết hằng ngày. Lượng sữa nên được nạp vào cơ thể khoảng 400ml/ngày.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn

Lưu ý:
Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

widget

Chat Zalo(7h30 - 22h00)

widget

090.213.2536(7h30 - 22h00)